5 Sai lầm về tài chính cá nhân của mình ở tuổi 22

5 Sai lầm về tài chính cá nhân của mình ở tuổi 22

Thứ năm, 17/12/2020

Đây là những 'sai lầm' về tài chính giúp mình có những sự thay đổi tốt hơn. Hi vọng sẽ cho bạn thêm góc nhìn, tránh được những sai lầm giống mình
1. Không ý thức được tầm quan trọng của quản lý tài chính
Tức là tháng nào biết tháng đó. Mình ra trường đi làm và khi kiếm được tiền, mình chỉ biết tiêu, có tiết kiệm, nhưng sẽ dùng cho việc mua máy tính, mua quần áo, đi chơi. Và rồi lại quay lại vòng lặp đó. Mình phải dùng một từ đó là mình rất vô tâm với tiền mình có, thiếu thì vay và luôn trong trạng thái trên mây: Kiểu gì hết rồi lại có
Cho tới khi thi thoảng mình rơi tình trạng hết sạch tiền, hoặc khi nói chuyện bạn bè, người dành ra được 100tr, người vừa mua cái xe mới, mình cũng bắt đầu nhen nhóm tìm hiểu về 6 lọ, về các app thu chi. Nhưng sau đó thì bỏ cuộc vì lý do mình lười.
Nếu được quay lại thời điểm đó, mình sẽ ngồi với bản thân: đưa bảng tài chính cá nhân, để mình nhìn thấy tiền mình đang như nào? Một tháng mình chi tiêu khoảng bao nhiêu, và thu đang nhiều hơn chi, hay ngược lại
Học cách xây dựng quỹ trù phú, quỹ rủi ro, tìm hiểu về bảo hiểm
Về sau này khi thấy được tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân đã thay đổi bản thân mình nhiều như nào
2. Thiếu hiểu biết khi sử dụng tiền
Nguy hiểm nhất tới mức mà bây giờ nhìn lại mình thấy đó là liều lĩnh, chứ không phải là mạo hiểm khi mình không tìm hiểu kỹ thông tin trước khi ra quyết định về tiền.
Ví dụ: thuê nhà không đọc kỹ hợp đồng, cho vay cũng không hỏi kỹ thời gian, và khả năng trả lại của họ, mua sắm không tìm hiểu xem chức năng mình có cần không.
Nhìn lại tới 80% số tiền mình kiếm được ở lứa tuổi 18 – 22 tuổi hầu như đều tiêu trong sự thiếu hiểu biết và có chút coi thường tiền.
Cho tới khi mình rơi vào tình trạng: cần khoản tiền lớn, không thể vay ai, vì bạn bè mình cũng đâu có nhiều tiền, thì mình mới thấy được mức độ nguy hiểm của việc thả trôi tiền bạc.
Thời điểm đó mình sẽ nói với bản thân: Hãy tìm hiểu kỹ khi mua món đồ mình có thật sự cần, đừng mua về rồi lại không dùng. Thật tỉnh táo khi sử dụng tiền
Bạn mình và mình khi ngồi lại nói rằng: Giá như chỉ 10% số tiền’ ăn chơi’ đó mà học cách đầu tư thì bây giờ đã khác rất nhiều
3. Không thành thật với bản thân hay còn gọi là giấu dốt
Có những thời điểm, mình thấy rõ ràng vòng lặp tài chính: tháng nào tiêu hết tháng đó, trong lòng mình rất bất ổn. Nhưng cách mình tỏ ra thì mình rất ổn: mình vẫn rất xông xênh, và không dám thành thật là tài chính mình đang không ổn. Nỗi sợ bị đánh giá, phán xét, thua kém, khiến mình lẩn tránh. Không dám bước ra thành thật, và học hỏi.
Mình trốn tránh bằng cách cày cuốc để kiếm được nhiều tiền hơn, thậm chí có lúc thu nhập của mình gấp 5 lần, nhưng vòng lặp: tháng nào tiêu hết tháng đó không dừng: vì càng kiếm mình càng tiêu. Càng áp lực, mình lại càng cần tiêu tiền nhiều hơn.
Phải nói rằng: mình gồng bản thân lên rất nhiều, không quan tâm sức khoẻ, tinh thần, chỉ luôn chăm chăm một việc: Kiếm được nhiều hơn
Và sự thật phũ phàng: Dù kiếm nhiều hơn thì Chi vẫn luôn lớn hơn Thu
4. Chạy theo cái bên ngoài, không biết chọn lọc thông tin
Không biết các bạn thế nào, lứa 9x tụi mình ở thời điểm 22 tuổi những khoá học, những quyển sách về làm giàu khiến mình vô thức chạy theo những mục tiêu rất cao, rất ảo vọng: tự do tài chính, làm giàu. Kiến thức đó không sai, nhưng sự thiếu kiến thức, thiếu nền tảng từ 3 điều ở trên khiến mình tin theo, mà không có chọn lọc để phù hợp với bản thân. Kiểu rất dễ thần tượng ai đó với những gì họ chia sẻ, chứ mình không hề có sự kiểm chứng, chọn lọc thông tin.
Nếu được mình rất mong giai đoạn đó mình chậm lại, quan sát, chọn lọc
5. Dám từ bỏ sớm hơn
Mình start up một vài dự án nhỏ từ lúc còn là sinh viên, vay nợ có, mượn tiền bố mẹ có. Và như mình có chia sẻ: Làm mọi việc thiếu sự hiểu biết, không tìm hiểu kỹ, đều dựa trên lòng tham, ảo vọng, và không hiểu gì về bản thân, khiến mình đã từng tốn rất nhiều tiền cho những dự án đáng lẽ mình cần phải dừng lại sớm hơn, và có những dự án mình nên cân nhắc kỹ trước khi vay tiền.
Những tháng ngày vay chỗ này trả chỗ kia, cho tới khi trả hết nợ là một bài học mình sẽ viết lúc khác.
Bài học mình nhận ra sau 5 sai lầm này chính là:
1. Quản lý tài chính cá nhân là điều vô cùng quan trọng : để đạt tới thu lớn hơn chi
2. Trân trọng tiền bạc. Bởi có trân trọng mình mới sử dụng hợp lý
3. Chỉ đầu tư khi có sự tìm hiểu rõ ràng, cẩn thận, để giảm thiểu rủi ro. Mạo hiểm chứ không phải liều lĩnh, Giống như không thể cứ lên xe rồi lái đi bừa, cần học thực hành và luyện tập.
4. Hiểu bản thân mình: đang ở đâu, mình cần gì? Khả năng mình tới đâu
5. Chọn lọc thông tin phù hợp với bản thân mình.
Bạn thì sao? Có bài học gì bạn rút ra cho bản thân, chia sẽ cùng mình nhé